Thông tin giới thiệu
Giới thiệu di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Xương Giang
Ngày đăng: 25/11/2022



 Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Xương Giang nay thuộc phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang. Mặc dù trải qua thời gian và biến thiên lịch sử làm biến đổi đi nhiều nhưng những dấu vết xưa về Thành Xương Giang vẫn còn khá rõ. Căn cứ vào kết quả khảo sát thực tế cho biết, Thành được đắp bằng đất hình chữ nhật, chiều dài chạy theo trục Đông - Tây (dài 600m), chiều rộng chạy theo trục Bắc - Nam (dài 450m) và có tổng diện tích rộng chừng 27ha (tương đương 70 mẫu Bắc Bộ). Tường Thành đắp cao và dày, bốn góc đắp bốn pháo đài cao hơn mặt thành khoảng 4m. Phía ngoài Thành có hào sâu bao bọc. Hiện nay Thành bị san lấp nghiêm trọng để làm nhà ở. Thành gồm 4 cửa trông theo 4 hướng: Cửa chính trông về hướng Tây, nay chỉ còn lại dấu vết cửa phía Đông. Hai cửa phía Nam và Bắc không còn dấu vết bởi bị san lấp làm đường và nhà ở. Trước đây ở mỗi cửa có một ruộng tròn rộng tới hơn 1 sào Bắc Bộ, sâu đến ngang vai, nhân dân vẫn gọi là "đấu đong quân". Đường thoát nước của Thành chảy từ cửa Đông qua cửa phía Tây và phía Nam.

Kết quả khảo sát thực địa “địa điểm chiến thắng Xương Giang” hay còn gọi là Thành Xương Giang, ngoài những vật liệu như gạch, ngói, bát, đĩa, lọ vò... thời Lê - Mạc, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy nhiều mảnh bát, đĩa có men trắng ngà hoa văn dây lá màu xanh lam. Có loại xưa hơn thuộc thời kỳ nhà Hán, nhà Đường thống trị nước ta, như những mảnh gốm có hoa văn xương cá, ô trám, những vò có tai...nhiều nhất là những mảnh bát đĩa thuộc thời Lý - Trần có men da lươn, men xanh, men nâu, hoa văn cánh sen hoặc cúc dây...

Qua những dấu tích còn lại trên cho thấy Thành Xương Giang là một di tích  lịch sử quan trọng. Nơi đây trước khi xây thành (1407) đã là một điểm hội cư lớn từ thời đại Lý - Trần với những dinh thự đã bị phá huỷ. Ngoài ra còn nhiều di vật khác cho thấy ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên và suốt thời gian thống trị nước ta, bọn phong kiến phương Bắc đã chiếm giữ vùng Xương Giang. Đến khi quân Minh xâm lược, chúng đã cho xây ngôi thành ngay trên phế tích xưa của thời Lý - Trần và lớp đất cư trú thời Lý - Trần đã được đào xới lên để đắp thành dẫn đến hiện tượng các hiện vật thuộc nhiều thời đại nằm chồng chất lên nhau. Mặc dù vậy, dấu vết của Thành cùng với những di vật được tìm thấy là những chứng tích về một thời kỳ lịch sử oanh liệt: Thời kỳ vây hãm hạ Thành Xương Giang, tiến lên tiêu diệt toàn bộ đạo viện binh của nhà Minh năm 1427, kết thúc thắng lợi cuộc chiến chống giặc phương Bắc vào đầu thế kỷ XV của dân tộc ta….. Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, trận quyết chiến chiến lược chấm dứt hơn 20 năm đô hộ của giặc Minh đã trở thành một chiến thắng lịch sử được ghi bằng chữ vàng chói lọi trong những trang sử chống giặc ngoại xâm bất diệt của dân tộc ta như: Chiến thắng Bạch Đằng, Rạch Gầm - Soài Mút, Ngọc Hồi - Đống Đa, Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975…

Địa điểm chiến thắng Xương Giang được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 293/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2009, gồm các điểm: Cửa Đông Bắc, cửa Đông, cửa Bắc, cửa Tây Nam, cửa Nam, khu trung tâm, dấu vết tường thành phía Đông, đoạn sông Xương Giang, hố khai quật khảo cổ học số 2 - số 3, giếng Phủ, đền Thành).

Sau khi được xếp hạng, địa điểm chiến thắng Xương Giang được quan tâm đầu tư tân tạo trong 5 năm (từ năm 2012 và hoàn thành năm 2017) trên diện tích 10ha, với tổng kinh phí đầu tư trên 230 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh và nguồn xã hội hóa). Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa mang đậm tính nhân văn, là nơi để thế hệ hôm nay và mai sau thể hiện sự tôn kính, ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân đã có công giữ nước”. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1954/QĐ-TTg xếp hạng “địa điểm chiến thắng Xương Giang” là di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Để kỷ niệm lịch sử chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn tại thành Xương Giang, hằng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội vào ngày mùng 6 và ngày mùng 7 tháng Giêng. Trong lễ hội có nhiều nghi lễ và phần hội đặc sắc, sáng ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch, các đoàn người từ các phường, xã giương cờ, gióng trống, xe kiệu với quần áo rực rỡ, chỉnh tề từ các ngả đường tiến về trung tâm khai hội…

 

CHƯƠNG TRÌNH LỄ HỘI 596 NĂM CHIẾN THẮNG XƯƠNG GIANG

* Ngày 26/01/2023 (MÙNG 5 TẾT)

- Từ 20h00’: Chương trình nghệ thuật “Mừng Đảng - Mừng Xuân”.

* Ngày 27/01/2023 (MÙNG 6 TẾT)

- Từ 6h30’ - 7h00’: Lễ rước kiệu thánh.

- Từ 7h00’ - 7h45’: Lễ tế.

- Từ 7h45’ - 8h00’: Lễ dâng hương.

Hát quan họ, chầu văn, ca trù

- Từ 8h00’ - 9h30’: Khai mạc Lễ hội

- Từ 9h30’ - 16h00’: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, trò chơi dân gian.

- Từ 20h00’: Chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân.

* Ngày 28/01/2023 (MÙNG 7 TẾT)

- Từ 8h00’ - 16h00’: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, trò chơi dân gian.

  • Hoạt cảnh tái hiện chiến thắng Xương Giang

    Hoạt cảnh tái hiện chiến thắng Xương Giang

  • Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại lễ hội

    Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại lễ hội

  • Đội hình rước mang trang phục đa dạng nhiều màu sắc

    Đội hình rước mang trang phục đa dạng nhiều màu sắc

  • Hát quan họ tại lễ hội

    Hát quan họ tại lễ hội

  • Từ sáng sớm đông đảo người dân tới tham dự Lễ hội kỷ niệm 590 năm chiến thắng Xương Giang

    Từ sáng sớm đông đảo người dân tới tham dự Lễ hội kỷ niệm 590...

  • Tái hiện khung cảnh chợ quê tại lễ hội

    Tái hiện khung cảnh chợ quê tại lễ hội

  • Đội hình rước tiến vào trung tâm khai hội

    Đội hình rước tiến vào trung tâm khai hội